Vấn đề được đặt ra là, tại sao các hãng xe thường nói “vống” lên về mức tiêu thụ nhiên liệu mà lại có rất ít nhà sản xuất ôtô bị “dính” án phạt như Mỹ đã làm với Kia và Hyundai. Tờ Economist đưa ra lí giải là vì các công ty sản xuất xe hơi chính là nhà tài trợ chính, chi rất nhiều tiền cho các chính sách về nhiên liệu sạch, hơn nữa họ còn đóng góp khoản thuế lớn cho các chính phủ. Do đó, cũng dễ hiểu khi các quốc gia chẳng mấy khi áp đặt hình phạt đối với “nguồn thu” quan trọng này.
Khi giới thiệu sản phẩm mới, các hãng xe thường công bố những số liệu tiêu hao nhiên liệu khá lý tưởng. Nhưng thực tế, họ đang “chém gió” và nói vống lên để “câu khách”.
Theo khảo sát của hãng J.D. Power tại Mỹ và châu Âu, mức tiêu thụ nhiên liệu là 1 trong 4 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định chọn mua xe hơi của người tiêu dùng.
Nắm bắt được tâm lý này, các hãng xe thường công bố những số liệu tiêu hao nhiên liệu khá lý tưởng. Nhưng thực tế mức tiết kiệm nhiên liệu thường bị phóng đại lên quá mức.
Theo tờ Economist, hầu hết các mẫu xe hơi tại châu Âu đều phóng đại mức tiết kiệm nhiên liệu tới hơn tới 38% so với mức công bố. Ví dụ, hãng xe quảng cáo bạn chỉ tốn 7 lít nhiên liệu cho 100km thì Economist chứng minh bạn sẽ tốn đến gần 10 lít.
So sánh các số liệu, hãng tin Bloomberg chỉ ra rằng, hãng xe càng sang, sai số về mức tiêu thụ càng lớn. Trong đó Mercedes-Benz bị chỉ tên là dòng xe có mức mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế vượt mức công bố lớn nhất tại châu Âu... vượt đến 40%.
Các cơ quan chức năng tại Bỉ đã phải lên tiếng cảnh báo, khoảng cách giữa thực tế và quảng cáo của các hãng xe đã ở mức nghiêm trọng.
Theo tờ Autonews, chỉ số mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình mà các hãng xe đưa ra so với kết quả kiểm tra từ EPA trong vài năm qua là "cao không thể chấp nhận được", dẫn lời Chánh văn phòng Giao thông vận tải và chất lượng không khí của EPA Christopher Grundler.
EPA cho biết, sự khác biệt đã tăng gần gấp đôi, từ 1,15% trong năm 2007 và 2008 cho đến 2,25% năm 2010. Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt mà sự khác biệt tới 14%, đủ để tăng mức tiêu thụ của một chiếc xe từ 6,9 lít/100 km lên đến 7,84 lít/100 km.
Cũng chính vì phóng đại mức tiêu hao nhiên liệu một cách thái quá, tại thị trường Mỹ, Hyundai và Kia, 2 hãng xe Hàn Quốc, đã phải nộp phạt số tiền kỉ lục, lên đến 300 triệu USD.
“Làm đủ trò” để hạ thấp mức “ngốn” xăng
Để “làm đẹp” kết quả trong các cuộc thử nghiệm, các hãng xe làm mọi cách để giảm mức tiêu hao nhiên liệu. Tờ Người Bảo vệ của Anh khẳng định, nhiều hãng thậm chí còn dùng băng dính, dán kín các khe hở bên ngoài xe để giảm lực cản không khí, cho xe lướt êm mà chẳng tốn xăng?
Bên cạnh đó, các hãng thường sử dụng tài xế lão luyện để lái thử xe. Cách lái của tài xế giúp giảm bớt lượng tiêu thụ nhờ kỹ năng tăng tốc và phanh êm ái. Đây cũng có thể là nguyên nhân chính của sự chênh lệch về mức tiêu thụ nhiên liệu mà họ công bố so với thực tế.
Không những thế, Tờ Economist còn cho rằng, vấn đề nằm ở chính hệ thống đánh giá tiêu chuẩn khí thải của châu Âu. Những tiêu chuẩn đã tồn tại từ năm 1996 và hoàn toàn thiếu tính thực tế... Ví dụ, đường chạy thử ở châu Âu là những cung đường lý tưởng nên các mẫu xe có thể dễ dàng hoàn thành bài kiểm tra với mức tiêu tốn nhiên liệu thấp nhất.
Tóm lại, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt khi ước tính mỗi chủ xe sẽ phải bỏ thêm ít nhất 500 euro, tương đương gần 15 triệu đồng, mỗi năm để trả thêm tiền xăng mà các nhà sản xuất hứa hẹn sẽ tiết kiệm cho họ.